QUY ĐỊNH CHUNG VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP NGÀNH KIẾN TRÚC

Để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội, tiến tới hội nhập quốc tế, căn cứ quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc thực hiện đồ án tốt nghiệp của Trường Đại Học Kiến trúc Hà Nội. Khoa Kiến trúc ban hành quy định về quy trình thực hiện và đánh giá đồ án tốt nghiệp Kiến trúc sư (KTS), gồm các nội dung sau:

Điều 1. Mục đích và yêu cầu của Đồ án tốt nghiệp.

Đồ án tốt nghiệp (ĐATN) là học phần cuối cùng của chương trình đào tạo ngành Kiến trúc, có khối lượng 12 tín chỉ nhằm đánh giá trình độ nhận thức và kỹ năng chuyên môn của sinh viên (SV), làm cơ sở để công nhận tốt nghiệp và cấp bằng KTS.

SV phải thể hiện khả năng vận dụng tổng hợp và sáng tạo các kiến thức đã được trang bị trong chương trình đào tạo để xác định đề tài, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, đề xuất ý tưởng sáng tạo, nghiên cứu các giải pháp kiến trúc & kỹ thuật và bảo vệ thành công đồ án trước Hội đồng chấm tốt nghiệp.

Điều 2. Điều kiện để được làm Đồ án tốt nghiệp.

SV được công nhận đủ tư cách để được giao quyết định làm ĐATN và phân công Gíao viên hướng dẫn (GVHD) với các điều kiện:

  1. a) Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập;
  2. b) Tích lũy đủ số học phần và khối lượng của chương trình đào tạo (theo quy định của Nhà trường);
  3. c) Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt từ 1,8 trở lên;

d/ Hoàn thành các nghĩa vụ và thủ tục về tài chính (theo quy định).

SV không đủ điều kiện phải hoàn thành những học phần còn thiếu và phải đăng ký HP đồ án TN trên cổng tín chỉ của nhà trường và làm đơn để được làm ĐATN ở các đợt sau.

Điều 3. Đề tài và quy mô Đồ án tốt nghiệp.

Đề tài ĐATN do SV xác định, thông qua GVHD và đăng ký tại Xưởng. Đề tài phải phù hợp với mục tiêu đào tạo, với đặc thù chuyên ngành và với khả năng của SV. Đồng thời phải có tính hiện thực, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xã hội.

Đề tài ĐATN có thể lấy từ các dự án / cuộc thi kiến trúc (đáp ứng nhu cầu thực tế tại một địa điểm xác định), hoặc nghiên cứu giải quyết những vấn đề cần thiết cho sự phát triển Xã hội đang đặt ra trong lĩnh vực Kiến trúc – Xây dựng (có tính thời sự, tính dự báo).

Thể loại đề tài ĐATN ngành Kiến trúc chủ yếu là thiết kế kiến trúc các thể loại công trình như: nhà ở, công trình công cộng, công trình sản xuất, bảo tồn, cải tạo,…

Điều 4. Cơ cấu nội dung của Đồ án tốt nghiệp

Nội dung nghiên cứu ĐATN Kiến trúc bao gồm phần Thiết kế tổng hợp phương án kiến trúc (gọi tắt là thiết kế kiến trúc) và phần Thiết kế chuyên sâu, với tỷ trọng cụ thể như sau:

– Phần Thiết kế Kiến trúc chiếm ~80% khối lượng nghiên cứu và thể hiện, trong đó:

+ Nội dung về QH tổng thể:                  20%

+ Nội dung về kiến trúc công trình:      60%

– Thiết kế chuyên sâu (1 & 2) chiếm ~20% khối lượng nghiên cứu và thể hiện, gồm 2 phần:

+ Thiết kế chuyên sâu 1: căn cứ vào 1/6 chủ đề nghiên cứu được lựa chọn theo đặc thù của đồ án:

1. Cấu trúc/ Không gian;

2. Văn hoá/ Xã hội;

3. Môi trường/ Kiến trúc xanh;

4. Kỹ thuật/ công nghệ;

5. Phong cách/ Nghệ thuật;

6. Bảo tồn/ Cải tạo

+ Thiết kế chuyên sâu 2: Cấu tạo Kiến trúc (4 chi tiết cấu tạo đặc trưng của đồ án trên cùng 1 mặt cắt chính)

Điều 5. Phân công Giáo viên hướng dẫn (GVHD)

  1. a) GVHD kiến trúc là GV đang giảng dạy tại các Xưởng học đồ án (có đủ bằng cấp và kinh nghiệm, đã qua thời gian hướng dẫn phụ) và các chuyên gia do Khoa mời.
  2. b) Mỗi GVHD độc lập được phân công không quá 4 SV (trong 2 năm đầu chuyển từ GVHD phụ lên chính: không quá 2 SV). GVHD ở các cơ quan ngoài: không quá 2 SV. (Quy định cụ thể theo tình hình thực tế mỗi năm).
  3. c) SV có thể đăng ký nguyện vọng về GVHD trong số các GV tại xưởng và các GV do Khoa mời. Trong thời gian thực tập, cần tham khảo các GVHD để định hướng đề tài và chuẩn bị các tài liệu cần thiết phục vụ cho ĐATN.
  4. d) GVHD được phân công sẽ đảm nhiệm cả phần Thiết kế kiến trúc và Thiết kế chuyên sâu. (Trong một số trường hợp chuyên môn đặc biệt, Khoa và Xưởng sẽ xem xét để phân công giáo viên phù hợp).

Điều 6. Thực hiện Đồ án tốt nghiệp (áp dụng cho khoá 2016K)

ĐATN được thực hiện trong 16 tuần (không bao gồm thời gian thu bài, phản biện và bảo vệ đồ án), bao gồm 4 giai đoạn:

– B1. Xác định đề tài và NC nhiệm vụ thiết kế:     2 tuần (Duyệt tiến độ – GVHD)

– B2. Nghiên cứu – Phân tích – Phương án sơ bộ:  4 tuần (Kiểm tra tiến độ lần 1 – Tiểu ban)

– B3. Phát triển ý đồ và Triển khai thiết kế:           7 tuần (Kiểm tra tiến độ lần 2 – Tiểu ban)

– B4. Hoàn thiện hồ sơ Đồ án tốt nghiệp:               3 tuần

Kết thúc mỗi bước của quy trình thực hiện sẽ có đánh giá kiểm tra:

  1. Duyệt tiến độ với GVHD

Thời gian: 8h30 Thứ 6 Ngày 05/03/2021

Mục đích: – GV kiểm tra việc chuẩn bị ĐATN của SV

– GV hướng dẫn bước tiếp theo Nghiên cứu – Phân tích – Phương án sơ bộ

Yêu cầu:1/ Khẳng định đề tài ĐATN (có xác nhận của GVHD)

2/ Bản đồ vị trí, bản đồ hiện trạng và quy hoạch liên quan đến địa điểm.

3/ Tài liệu phục vụ cho đề tài: tiêu chuẩn xây dựng, công trình tham khảo.

4/ Nhiệm vụ thiết kế

GVHD đánh giá sự chuẩn bị ở B1 của SV, nếu không đạt SV phải hoàn thành để có thể được giao và hướng dẫn nội dung công việc ở B2.

  1. Kiểm tra tiến độ lần 1 tại Xưởng         

Thời gian: 8h30 thứ 3 Ngày 30/03/2021

Mục đích: Đánh giá công việc thực hiện ở B1 & B2 bao gồm:

  1. Chọn đề tài và nghiên cứu nhiệm vụ thiết kế
  2. Nghiên cứu – Phân tích – Phương án sơ bộ

Yêu cầu:   

  1. Trình bày trên 2 bản vẽ A1:

– Phân tích địa điểm (sơ đồ hoá)

– Phác thảo ý đồ kiến trúc (3 phương án)

– Thiết kế sơ bộ phương án chọn

  1. Mô hình nghiên cứu (hiện trạng/ ý đồ)
  2. Hồ sơ A3:

– Sổ tay thiết kế (nghiên cứu, phân tích, phác thảo, tài liệu tham khảo)

– Nghiên cứu theo chủ đề lựa chọn (thuyết minh/ ảnh/ hình vẽ)

 (Sinh viên không đạt yêu cầu phải hoàn thiện và báo cáo lại sau 1 tuần, những trường hợp vẫn không đạt nhưng có lý do đặc biệt phải có ý kiến của xưởng và Trưởng Khoa).

  1. Kiểm tra tiến độ lần 2 tại Xưởng

Thời gian: 8h30 thứ 3 Ngày 18/05/2021  

Mục đích: Phát triển Ý đồ (phương án chọn) và triển khai thiết kế. Trên cơ sở Đề tài / thể loại công trình; Nghiên cứu chủ đề. GVHD giúp SV xác định nội dung Thiết kế chuyên sâu và hoàn thiện giải pháp kiến trúc.

Yêu cầu:  SV phải đệ trình Hồ sơ thiết kế, bao gồm cả công việc ở lần 1

  1. Trình bày trên 4 – 5 bản vẽ A1:

– Bản vẽ triển khai phương án kiến trúc (mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt)

– Bản vẽ thiết kế chuyên sâu 1 & 2

  1. Mô hình triển khai (hiện trạng -> ý tưởng -> giải pháp)
  2. Hồ sơ A3:

– Sổ tay thiết kế (nghiên cứu, phân tích, phác thảo, tài liệu tham khảo)

– Thuyết minh quá trình phát triển thiết kế & nghiên cứu chuyên sâu

(Sinh viên không đạt yêu cầu phải dừng làm ĐATN, trường hợp có lý do đặc biệt phải có ý kiến của Xưởng và Trưởng Khoa).

  1. Phản Biện ĐATN tại các tiểu ban tốt nghiệp

Mục đích: Sinh viên tiếp nhận các ý kiến của GV phản biện và có thời gian hoàn thiện đồ án trước khi nộp chính thức

Nộp bài phản biện: Thứ 2 ngày 14-06 (Từ 9h đến 12h) tại các tiểu ban.

Thu bài muộn: Thứ 2 ngày 14-06 (Từ 14h đến 17h) tại các tiểu ban.

Hồ sơ: 10 bản vẽ A0 (mỗi thiết kế chuyên sâu là 1 tờ A0) và 1 thuyết minh A3

Phản biện: Từ thứ 3 ngày 15/06 đến hết thứ 6 ngày 18/06/2021. Yêu cầu phát hiện các sai sót về kỹ thuật phải chỉnh sửa để đảm bảo chất lượng đồ án.

  1. Thu bài tại các tiểu ban tốt nghiệp

Thời gian nộp bài: Thứ 6 ngày 25/06 (9h-12h)

Nộp muộn tại Khoa: Thứ 6 ngày 25/06 (14h-17h) Thứ 7 ngày 26/06 (9h-11)

Điều 7. Quản lý việc thực hiện Đồ án tốt nghiệp.

– Sau mỗi lần kiểm tra tiến độ, các Xưởng phải tổng hợp kết quả đánh giá và cho điểm quá trình, hướng dẫn thực hiện và phổ biến thực hiện bước tiếp theo

– SV phải chủ động làm việc để đảm bảo tiến độ ĐATN theo kế hoạch. GVHD quy định lịch làm việc phù hợp với yêu cầu công việc (đảm bảo trung bình 2 lần/tuần).

– Việc quản lý quá trình làm ĐATN được tiến hành thông qua “Sổ tay thực hiện ĐATN” do khoa cung cấp và công việc thực hiện quy định ở mỗi giai đoạn. Sau mỗi bước, GVHD có trách nhiệm đánh giá các nội dung đã hoàn thành và ký xác nhận vào Bảng theo dõi tiến độ.

– SV phải giữ “Sổ tay thực hiện ĐATN” để sử dụng trong suốt quá trình làm việc với GVHD và các đợt kiểm tra. Nộp lại sổ cùng với hồ sơ đồ án để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình đánh giá ĐATN.

Điều 8. Hồ sơ Đồ án tốt nghiệp.

Hồ sơ ĐATN có khối lượng và nội dung gồm:

  • Phần bản vẽ: 10 bản vẽ khổ A0 (bố cục theo chiều ngang – theo mẫu ở phụ lục), dùng cho buổi bảo vệ trong đó:

– 2 A0 thể hiện các nội dung nghiên cứu chung về xây dựng ý tưởng và quy hoạch tổng thể (phân tích địa điểm, ý đồ quy hoạch và kiến trúc, các phương án so sánh & phương án chọn, MB tổng thể đúng yêu cầu và đúng tỷ lệ).

– 6 A0 thể hiện các giải pháp kiến trúc (mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng, phối cảnh,..).

– 1 A0 thiết kế chuyên sâu 1 – Cấu tạo kiến trúc (4 chi tiết cấu tạo trên cũng 1 mặt cắt chính của công trình)

– 1 A0 thiết kế chuyên sâu 2 – Theo chủ đề nghiên cứu lựa chọn

– 02 A3 bản vẽ tóm tắt phương án thiết kế để đóng hồ sơ ĐATN theo khóa lưu trữ ở Khoa

Ví dụ 02 A3 Bản vẽ tóm tắt ĐATN

 

  • Thuyết minh tổng hợp: nộp 04 quyển (1 lưu VP Khoa, 1 lưu Xưởng, 1 GVHD, 1 Giáo viên phản biện): trình bày có hệ thống nội dung quá trình phát triển thiết kế bao gồm:

– Đặt vấn đề, lựa chọn đề tài

– Xây dựng nhiệm vụ thiết kế

– Phân tích địa điểm và xây dựng ý tưởng,

– Tổng hợp – phân tích lựa chọn phương án và giải pháp,

– Phân tích các Thiết kế chuyên sâu 1&2,

– 10 bản vẽ của đồ án (thu nhỏ về khổ A3).

  • Tổng hợp đồ án trong 2 tờ A3 (phục vụ cho việc triển lãm) bao gồm:

– Tóm tắt ý tưởng

– Lựa chọn một số bản vẽ tiêu biểu: Mặt bằng, Mặt đứng, Mặt Cắt, Phối cảnh

– Ảnh mô hình

  • Copy file cho Xưởng:

Ghi đầy đủ dữ liệu ĐATN (10 bản vẽ A0; thuyết minh tổng hợp; 2 tờ A3 tổng hợp đồ án).

Yêu cầu: File phải có chất lượng cao để in phục vụ cho triển lãm đồ án sinh viên và dự thi giải Loa thành

  • Mô hình nghiên cứu:

Được phát triển và hoàn thiện trong quá trình thực hiện ĐATN (từ mô hình hiện trạng --> ý tưởng --> triển khai phương án)

  • Sổ tay thiết kế:

Các phác thảo, bản vẽ tay, các tài liệu tham khảo và bản vẽ trong quá trình phát triển phương án

                                                           Ví dụ sổ tay thiết kế                                             

Các tài liệu, các bản vẽ tay, phác thảo…. là cơ sở để đánh giá quá trình của SV

Điều 9. Quy cách thể hiện

– 10 bản vẽ trình bày theo chiều ngang, không dán liền thành băng dài hoặc tờ lớn.

– Kích thước bản vẽ: A0 (840mm x 1188mm, cho phép xén cạnh mỗi phía 25mm).

– Khung tên (theo mẫu) in trên tất cả các bản vẽ (không cắt dán).

– Kỹ thuật thể hiện tùy thuộc sở trường của SV và yêu cầu của GVHD. Không cắt dán trên bản vẽ (trừ trường hợp dán ảnh tư liệu).

– Các hình mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng phải thể hiện theo qui định bản vẽ kỹ thuật (không chấp nhận vẽ mặt đứng, mặt cắt dạng ảnh). Không thể hiện các bản vẽ kỹ thuật trên nền sẫm (kiểu âm bản), không dùng hình ảnh làm nền bản vẽ.

– Thuyết minh trình bày trên 1 mặt giấy, cỡ chữ 14, chế độ giãn dòng Exactly 15p, đóng quyển khổ A3 (297mm x 420mm). Trang bìa ghi rõ thông tin (tên trường, khoa, xưởng, lớp, tên đồ án, tên SV và các GVHD), có trang bìa phụ và mục lục.

Điều 10. Tính hợp lệ của hồ sơ Đồ án tốt nghiệp.

Hồ sơ ĐATN được xem là hợp lệ để đưa ra bảo vệ trước tiểu ban chấm đồ án tốt nghiệp với các điều kiện:

– Đầy đủ số lượng và thành phần (10A0 + 4 Thuyết minh A3 + 02 A3 bản vẽ tóm tắt phương án thiết kế + Mô hình nghiên cứu + CD)

– Các bản vẽ và thuyết minh phải do SV tự thể hiện, đúng quy cách (theo điều 9).

– Nộp đúng thời gian quy định (có ký nhận và đóng dấu trên từng bản vẽ).

– Các bản vẽ đều có đầy đủ chữ ký của GVHD trong khung tên in.

– Không có dấu hiệu bị cắt dán, tẩy xoá chữ ký, thay đổi nội dung sau khi nộp.

Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo mức quy định cụ thể (trừ điểm theo từng sai phạm / loại bỏ một phần hồ sơ / không được bảo vệ).

Điều 11. Tiểu ban chấm Đồ án tốt nghiệp.

Hội đồng tốt nghiệp và các Tiểu ban chấm ĐATN do Khoa đề nghị và Hiệu trưởng quyết định thành lập. Mỗi Tiểu ban có ít nhất 7 thành viên là các GVHD tốt nghiệp và các chuyên gia được mời.

Tiểu ban có hiệu lực hoạt động khi có mặt Trưởng Tiểu ban, Thư ký Tiểu ban và không vắng mặt quá 1/3 số uỷ viên. Tiểu ban có trách nhiệm:

– Thu và quản lý hồ sơ ĐATN (theo danh sách) trong thời gian chuẩn bị bảo vệ.

– Tổ chức phản biện ĐATN theo danh sách phân công của Khoa. Trên cơ sở đó đánh giá sơ bộ và chọn các đồ án để triển lãm và bảo vệ trong buổi khai mạc.

– Đánh giá điểm ĐATN của SV theo quy chế.

– Bàn giao tài liệu lưu trữ (thuyết minh + CD) và các đồ án xuất sắc cho Khoa.

Điều 12. Đánh giá Đồ án tốt nghiệp.

ĐATN được đưa ra bảo vệ ở Tiểu ban với các điều kiện:

– Đảm bảo tính hợp lệ của hồ sơ (theo điều 11)

– Có đầy đủ các bản nhận xét của GVHD và GVPB

– SV không còn nợ học phí, không bị kỷ luật trong thời gian làm ĐATN.

Để đảm bảo tính khách quan, ĐATN được đánh giá theo phương thức chấm chéo (SV không bảo vệ ở tiểu ban có GVHD, và bỏ phiếu kín. Các thành viên tiểu ban (gồm cả GVPB) cho điểm trực tiếp tại buổi bảo vệ. GVPB cho điểm căn cứ ý kiến nhận xét và mức độ hoàn thành sau khi phản biện.

Điểm bảo vệ đồ án là TB cộng điểm của các thành viên Tiểu ban (theo thang điểm 10), được làm tròn tới 2 chữ số thập phân. Những điểm thành phần chênh quá + 1,5 điểm so với điểm TB của Tiểu ban sẽ bị loại để tính lại.