Lay động cảm xúc từ những mẩu sắt tưởng chừng như vô tri vô giác là sự khởi đầu trong hành trình bén duyên đã gần 10 năm với sắt của KTS Dương Nguyễn Huy. Sự sáng tạo không ngừng trong ý tưởng và sự hoàn thiện về kỹ thuật trong từng tác phẩm qua thời gian đã giúp Huy thổi hồn cho những mảnh sắt vụn và biến hoá thành những tác phẩm đầy tính điêu khắc và bay bổng.
Sự ghi nhận và đón nhận tích cực của người dân trong nước và quốc tế tại các cuộc triển lãm trong thời gian qua đã tiếp sức để Huy có một loạt triển lãm ấn tượng trong năm 2023 tại 22 Hàng Buồm, tại vườn hoa Lê Trực và Công viên Đảo ngọc, vườn hoa Hàng Đậu.
Sự ngạc nhiên, thích thú là cảm nghĩ của các khán giả khi xem những sản phẩm cực kỳ sống động được khắc hoạ bằng sắt về các con vật, côn trùng cũng như những biểu cảm đa dạng từ dáng vẻ, khuôn mặt sắt rất đỗi đời thường. Cảm xúc tích cực của các khán giả và phóng viên khi được tiếp cận với loại hình nghệ thuật mới mẻ, độc đáo tại các không gian trưng bày đã được thể hiện ấn tượng và sinh động qua hàng loạt Ảnh chụp, qua những video ngắn trên tiktok, trên các báo. Nhiều phóng sự trên truyền hình như chương trình Vì tương lai xanh của VTV 1, Việt Nam đa sắc của VTV 3 đã phần nào lột tả hành trình sáng tạo đầy bền bì của Huy tạo sự lan toả mạnh mẽ về khả năng sáng tạo của người Việt cũng như dấu ấn của “Huy sắt” trong lòng khán giả.
Những tác phẩm của Huy đã đi vào đời sống một cách tự nhiên đầy lôi cuốn và bay bổng. Nhiều tác giả viết báo đã bày tỏ mong muốn trong tương lai không xa sẽ được thấy những tác phẩm phóng to của KTS Dương Nguyễn Huy sẽ được trưng bày tại các không gian công cộng của Hà Nội như một sự khẳng định về sự sáng tạo nghệ thuật của người Việt.
Dòng chảy của sự sáng tạo không ngừng đã hồi sinh và biến hoá mảnh sắt vụn thừa khô cứng, khó bảo, thành những nét điêu khắc đa dạng và thăng hoa trong những tác phẩm. Huy luôn thấy mình có cơ duyên khi được chạm đến kho sáng tạo bất tận của thiên nhiên từ những mầu sắt. Nói một cách đầy ví von, Huy đã “nói hộ lời của sắt” qua những tác phẩm điêu khắc đầy tính sáng tạo và lay động cảm xúc. Mân mê những mẫu sắt tưởng chừng như khô cứng, những ý tưởng sắp xếp và sáng tạo ùa đến, bất chợt Huy cảm thấy mình thật “giàu có” – Anh đã từng nói đầy say mê: “Khi tôi nhìn thấy những mẫu sắt vụn tôi như nhìn thấy một bầu trời đầy sao”
Đôi bàn tay thô ráp, gương mặt đen nhẻm vì hàn xì và dòng sáng tạo cuồn cuộn trong tâm trí đã tái hiện cuộc sống xung quanh từ chân thực đến trừu tượng. Đôi lúc Anh có cảm giác bay bổng của người đạo diễn với những vũ điệu cuả những tác phẩm từ sắt. Nhìn ánh mắt lấp lánh khi Huy nói về tác phẩm mới hiểu sáng tác chính là nguồn sống, nguồn cảm hứng của Huy.
Sự mạnh mẽ, khó chinh phục của sắt đã tạo dấu ấn điêu khắc rõ nét dưới đôi bàn tay tài hoa của tác giả đã lần lượt tạo ra các tác phẩm có tên Thăng hoa 1,2,3, … Và đến một lúc nào đó Huy chợt nhận ra không thể đặt tên sự thăng hoa qua các con số mà dòng chảy, thăng hoa luôn hoà quyện trong từng tác phẩm và dường như là Vô tận.
Trong hành trình đầy vất vả, trăn trở Huy thật may mắn khi có những người vì yêu quý các tác phẩm của Anh đã ủng hộ theo nhiều cách để các tác phẩm đến với công chúng một cách ấn tượng nhất, toả sáng nhất. Những nhiếp ảnh gia đã khai thác hoàn hảo từ những nét điêu khắc, ánh sáng và bóng đổ qua từng góc nhìn đã khiến tác phẩm biến hoá ảo diệu. Những nhà sưu tập từ yêu thích đã sở hữu và đưa tác phẩm vào không gian riêng như hơi thở trong cuộc sống và khiến cho tác phẩm trở nên gần gũi và như lời muốn nói sắt hoàn toàn không “lạnh”.
Nhìn lại Hành trình gần một thập kỷ, Huy luôn biết ơn cuộc đời vì đã có một đam mê được thoả mãn bên cạnh nghề thiết kế của KTS. Hiện tại Huy đã có một không gian nghệ thuật ấn tượng tại nhà riêng với tên gọi Duong studio để bạn bè và người yêu thích đến chia sẻ vào dịp cuối tuần. Những tách trà nóng, những ly caffe đậm đà trong khoảng thời gian giao lưu tại đây đã khiến tác giả và người xem tự tin và tự hào về sáng tạo Việt, nghệ thuật Việt! Và cuộc sống rất cần những người nói hộ lời của thiên nhiên một cách sinh động như thế!
Anh tâm sự: Mọi người hay nói sắt vụn là đề xê phế thải sản xuất. Phẩm giá của tấm sắt sinh để được sử dụng mục đính chính như “phần dương”, còn lại những mảnh vụn nhỏ nhặt như “phần âm” bị bỏ đi. Nếu mình tận dụng để ghép chúng lại thành những tác phẩm, để làm sống lại “phần âm” đó. Đứng về góc độ nghệ thuật thì cũng là một cách để biểu hiện cái đẹp và cũng không thua kém các hình thức thể hiện khác.